BAN QUẢN LÝ VẬN HÀNH TÒA NHÀ SOHOA


PHÒNG SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ KHÔNG GIAN SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG TRONG NHÀ CHUNG CƯ

I. KHÁI NIỆM, QUY TẮC SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG

* Khái niệm sinh hoạt cộng đồng: Sinh hoạt cộng đồng là hoạt động tập thể của một nhóm người, một tập thể mang tính cộng đồng, tổ chức tại nơi sinh hoạt, nơi lao động, học tập, nơi sinh sống ,... nhằm mục đích tạo sự vui tươi, giao lưu, giáo dục qua đó nhằm phát triển năng lực của cá nhân và hiệu quả của hoạt động tập thể.

* Khái niệm quy tắc sinh hoạt cộng đồng: Quy tắc sinh hoạt cộng đồng là quy định của các cơ quan nhà nước, tổ chức, tập thể, cộng đồng đòi hỏi mọi người trong xã hội, trong cộng đồng phải tôn trọng và tuân thủ nhằm bảo đảm lợi ích chung.

 

II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ KHÔNG GIAN SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG TRONG NHÀ CHUNG CƯ

1. Quy định về bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng trong nhà chung cư.

      - Không gian sinh hoạt cộng đồng thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư theo Điều 100 Luật Nhà ở 2014. Theo pháp luật quy định nhà chung cư bắt buộc phải xây dựng, bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng theo Khoản 10 Điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định việc xử lý chuyển tiếp đối với việc phát triển và quản lý nhà ở như sau:

      - Kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành, tức 01/07/2015, các nhà chung cư (bao gồm cả nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào các mục đích khác) được xây dựng phải bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định. Đối với nhà chung cư đã được xây dựng từ trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành mà có thiết kế diện tích làm nhà sinh hoạt cộng đồng thì chủ đầu tư phải bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo thiết kế đã được phê duyệt; trường hợp không có thiết kế diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng mà có diện tích nhà dành để kinh doanh thì chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư có thể thỏa thuận để các chủ sở hữu mua hoặc thuê lại một phần diện tích nhà này để làm nhà sinh hoạt cộng đồng.

     - Nhà sinh hoạt cộng đồng do Hội nghị nhà chung cư quyết định giao cho Ban quản trị nhà chung cư hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư quản lý; nhà sinh hoạt cộng đồng phải được sử dụng đúng mục đích vào sinh hoạt của cả cộng đồng các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; nghiêm cấm sử dụng nhà này vào mục đích riêng của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, cho thuê, cho mượn, sử dụng vào các mục đích khác không phải phục vụ cho sinh hoạt chung của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

 

2. QUY CHUẨN KỸ THUẬT VỀ KHÔNG GIAN SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG

      - Theo Mục 2.2.7 của Quy chuẩn QCVN 04:2019/BXD kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư thì không gian sinh hoạt cộng đồng phải được bố trí đảm bảo các yêu cầu như sau:

      - Không gian sinh hoạt cộng đồng phải đảm bảo diện tích sử dụng bình quân tối thiểu đạt 0,8 m2/căn hộ, trong đó phải có không gian phù hợp để tổ chức hội nghị cư dân;

      - Đối với cụm nhà chung cư trong một dự án xây dựng khi không bố trí được không gian sinh hoạt cộng đồng trong từng tòa nhà, cho phép kết hợp tại một vị trí hoặc khu vực riêng biệt với tổng diện tích cho sinh hoạt cộng đồng được giảm tối đa 30%; bán kính từ sảnh các tòa nhà tới nơi sinh hoạt cộng đồng không quá 300 m và cần tính toán, thuyết minh đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thuận tiện cho cư dân.

 

3. QUY ĐỊNH VỀ PHẦN SỞ HỮU CHUNG CỦA NHÀ CHUNG CƯ.

Điều 100 Khoản 2 Luật nhà ở. Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung của nhà chung cư…

        2. Phần sở hữu chung của nhà chung cư bao gồm:

       a) Phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại khoản 1 Điều này; nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư;

       b) Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư bao gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hỏa và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;

       c) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó, trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt;

       d) Các công trình công cộng trong khu vực nhà chung cư nhưng không thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được duyệt bao gồm sân chung, vườn hoa, công viên và các công trình khác được xác định trong nội dung của dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt.

 

4. QUY ĐỊNH SỬ DỤNG NHÀ SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG.

       Phòng cộng đồng ở chung cư thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư. Đồng thời theo quy định tại khoản 10 điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì nhà sinh hoạt được sử dụng vào các mục đích sau:

        Điều 80. Xử lý chuyển tiếp đối với việc phát triển và quản lý nhà ở …10. Nhà sinh hoạt cộng đồng do Hội nghị nhà chung cư quyết định giao cho Ban quản trị nhà chung cư hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư quản lý; nhà sinh hoạt cộng đồng phải được sử dụng đúng mục đích vào sinh hoạt của cả cộng đồng các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; nghiêm cấm sử dụng nhà này vào mục đích riêng của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, cho thuê, cho mượn, sử dụng vào các mục đích khác không phải phục vụ cho sinh hoạt chung của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.